Bên cạnh Thác Bản Giốc hùng vĩ, bao la thì non nước Cao Bằng còn có nhiều cảnh quan mang nét hoang sơ, nguyên sinh và những món đặc sản nổi tiếng độc đáo mà du khách không thể nào quên.
Cao Bằng là tỉnh địa đầu tổ quốc thuộc vùng Đông Bắc - Việt Nam. Phía tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Thời điểm đến Cao Bằng
Hoa tam giác mạch nở khắp núi rừng.
Vào mỗi mùa, Cao Bằng mang một vẻ đẹp riêng. Khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 8-9 khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh và vào tháng 11-12 khi hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ nở khắp núi rừng.
Hoa sim tím ven đường.
Tuy nhiên các tay phượt lại thích thời điểm cuối xuân đầu hạ hơn khi thời tiết không quá lạnh cũng chưa nắng nóng, tầm tháng 3-4 cây mơ, mận ra quả sai trĩu vừa ngắm vừa ăn rất đã.
Vừa ngắm vừa ăn những quả mận chua thanh đầu vị lưỡi.
Địa điểm nghỉ ngơi ở Cao Bằng
Các nhà nghỉ ở thị xã Cao Bằng tương đối rẻ, giá khoảng 200.000 đồng/phòng/đêm. Ngoài ra một số khách sạn đẹp, giá cao hơn như: Hương Sen, Thành Loan, Bằng Giang, khách sạn Giao Tế thì cũng chỉ tầm 300-400.000 đồng/phòng/đêm.
Tại các thị trấn như Bảo Lạc, Phục Hòa, Tĩnh Túc đều có nhà nghỉ, giá dao động khoảng 300.000 đồng/phòng/đêm. Bạn nên đặt trước phòng hoặc thông qua một công ty du lịch để tránh trường hợp hết phòng, ảnh hưởng tới lịch trình chuyến đi.
Đặc sản ở Cao Bằng
Bánh cuốn nóng Cao Bằng.
Ai từng một lần tới mảnh đất Cao Bằng, ắt hẳn không thể quên hương vị của món bánh cuốn nơi đây. Bánh cuốn nóng Cao Bằng có công thức chế biến bước đầu cũng không khác gì món này ở những nơi khác. Bột gạo loãng được tráng mỏng trên nồi hấp có nước đang sôi sùng sục ở bên trong. Chỉ sau ít phút, chiếc bánh trắng tinh, thơm mùi gạo đã chín. Người thích ăn cầu kỳ hơn có thể tráng chung trứng gà cùng với bột gạo để chiếc bánh thơm bùi hơn.
Điều khác biệt là bánh cuốn Cao Bằng được thả vào một bát nước hầm xương nóng sốt.
Điều khác biệt của bánh cuốn nóng Cao Bằng là chiếc bánh tráng xong, cuốn lại gọn và đẹp mắt, không phải ăn với nước mắm pha chua ngọt như ta thường thấy, mà sẽ được thả vào một bát nước hầm xương nóng sốt, ăn kèm với chả lụa, chả cây và một ít hành lá xắt nhuyễn, hành phi, tóp mỡ, tiêu bột rắc lên trên.
Để cho hương vị đậm đà và độc đáo hơn, bánh cuốn nóng Cao Bằng thường được ăn chung với quả mắc mật muối chua. Cắn một miếng bánh cuốn tráng trứng thơm lừng, thêm vào miệng một miếng chả lụa béo ngậy, húp thêm ngụm nước dùng nóng hổi, rồi nhấp nhẹ một quả mắt mật vàng um vị chua chua. Các hương vị ngọt, béo, thơm, cay, chua... hòa quyện với nhau, quả là một món ăn khó có thể quên.
Là một món ăn khó quên.
Vào buổi sáng, trên bất cứ ngã đường nào ở Cao Bằng, người ta đều thấy những hàng bán Bánh cuốn nóng. Cứ cách vài ba nhà thì lại có một hàng bán món ăn này. Đặc biệt là vào mùa Đông, món này lại còn trở nên tuyệt hảo hơn.
Khẩu Sli Nà Giàng, một loại bánh đặc sản: Khẩu Sli là một loại bánh đặc sản truyền thống đã có từ lâu và được nhiều người biết đến trên địa bàn xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bánh Khẩu Sli được chế biến theo công thức cổ truyền, từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương như gạo nếp, lạc, đường mật và được sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với các công đoạn khác nhau, như: đồ xôi, phơi, giã, sấy, sàng, rang.
Bánh trứng kiến được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả.
Bánh Trứng kiến Cao Bằng: Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh Trứng kiến. Bánh Trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.
Nhâm nhi vị chè đắng.
Hương vị Chè Đắng: Thiên nhiên đã ban tặng cho non nước Cao Bằng cây chè đắng, với đặc điểm riêng biệt búp non màu hồng tía. Chè Đắng vừa là chè uống, vừa có tác dụng là dược liệu; uống chè Đắng bạn sẽ được hưởng thức 3 hương vị; vị thơm đặc biệt của chè Đắng, vị hơi đắng và vị ngọt mát đọng lại rất lâu khi bạn thưởng thức nó.
Các địa điểm tham quan ở Cao Bằng
Thác Bản giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Lên Cao Bằng, du khách có thể ghé thăm thác Bản Giốc, là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Cao Bằng. Thác mang một vẻ đẹp hung vĩ và nguyên sơ đến kinh ngạc. Cách thác Bản Giốc chừng 3 km là động Ngườm Ngao với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, mang đậm màu sắc huyền ảo.
Thác Bản Giốc mang vẻ đẹp hùng vĩ.
Hồ Thang Hen cạnh thác Bản Giốc cũng là nơi có phong cảnh đẹp và thơ mộng nổi tiếng của Cao Bằng. Nằm ở độ cao 1.000m, hồ Thang Hen in bóng màu xanh của cây vươn mình trên các vách đá, uốn lượn theo lòng thung lũng mấp mô những mỏ đá ngầm. Đặc biệt mỗi ngày hồ lại có hai đợt thủy triều lên và xuống rất thú vị. Gần hồ Thang Hen còn có hồ Thăng Luông, giữa hồ nhô lên một quả núi phong cảnh rất ngoạn mục. Du khách có thể thuê thuyền để dạo chơi khám phá lòng hồ, đi từ hồ này sang hồ khác hay ngắm những ngôi nhà sàn lợp ngói máng của dân địa phương.
Hang Pắc Bó di tích lịch sử nổi tiếng
Ngoài ra còn một số địa danh đẹp du khách không nên bỏ qua như: thành Bạch Mã, Nghiêu Sơn Lĩnh. Và hàng chục khu di tích lịch sử như Kim Đồng, Ngàm Dảo, Pháo Đài, Nà Sác, Vườn Cam…
Nơi Bác Hồ làm việc.
Song nổi tiếng và được nhiều du khách muốn được đặt chân đến nhất là suối Lê Nin, hang Pắc Bó - di tích lịch sử nổi tiếng, nơi bác Hồ làm việc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây cũng là một thắng cảnh đẹp với cảnh núi non, sông suối, sơn thủy hữu tình.
Lưu ý
Vì Cao Bằng là một tỉnh vùng biên nên khi tới đây, bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để tránh những rắc rối không cần thiết. Mang theo thuốc cứu thương cá nhân phòng khi cần dùng vì đường đi xa và khó cũng là không thừa đâu. Đặc biệt bạn hãy tôn trọng những tập tục của người dân địa phương, không làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu, giữ gìn vệ sinh chung và không đi vào những vùng bị cấm, vượt biên giới.
Châu Khoa (Theo baomoi.com)