Xuất phát điểm đầu tiên của trái banh dùng để đá bóng chỉ là một miếng bong bóng lợn được phủ da bên ngoài. Có rất nhiều biến thể của trái banh này xuất hiện trong lịch sử từ trò chơi của người Trung Quốc
cổ đại mang tên “tsu chu” cho tới thời Trung Cổ tại nước Anh. Bóng đá chắc chắn sẽ không phát triển được như ngày nay nếu thiếu đi một phát minh quan trọng vào năm 1844 khi Charles Goodyear đăng ký bản quyền phát minh lưu (huỳnh) hóa cao su để làm cao su ổn định và dễ sử dụng cũng như sản xuất hơn.
Năm 1855, Goodyear đã tạo ra trái banh bằng cao su đầu tiên trên thế giới và 7 năm sau, H.J.Lindon đã cải tiến trái banh để dễ đá hơn. Năm 1951 đánh dấu việc trái banh màu trắng bằng cao su đã bắt đầu trở thành chuẩn quốc tế (được phép sử dụng màu da cam trong các trận đấu mùa đông cho khỏi lẫn với màu của tuyết).
Trái bóng mà chúng ta thường nhìn thấy hôm nay – trái bóng được ghép từ các mảnh lục giác trắng đen – đã được thiết kế bởi kiến trúc sư Richard Buckminster Fuller vào thập niên 1960 (kiến trúc sư nổi tiếng với các công trình kiến trúc tối giản). Trước đây, bóng da được khâu từ 18 mảnh có kích thước khác nhau. Trái banh của Fuller sử dụng 20 mảnh lục giác + 12 mảnh ngũ giác lần đầu tiên được sử dụng tại Vòng chung kết World Cup 1970 ở Mexico (trái Adidas Telstar). Một trong những lý do lớn để người ta không sử dụng trái banh màu trắng mà sử dụng xen kẽ trắng đen là để người xem TV dễ dàng nhìn thấy trái banh hơn. Điều quan trọng trong việc sử dụng các mảnh ghép hình lục giác/ngũ giác là làm cho trái bóng đi với quỹ đạo thật hơn.
Thiết kế của Fuller không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thể thao mà còn đi vào huyền thoại với một giải …Nobel hóa học liên quan tới ông. Năm 1996, các nhà khoa học ở Đại học Rice (Harold Kroto, Robert Curl và Richard Smalley) đã nhận được giải Nobel hóa học vì phát hiện ra một phân tử được họ đặt tên là … Buckminsterfullerene (chứa tới 60 nguyên tử Carbon) có vai trò lớn trong việc phát triển công nghệ nano. Lý do có vẻ rất dễ hiểu : phân tử này được tạo bởi 20 hình lục giác và 12 hình ngũ giác