Người Tày
quê tôi thường ở nhà sàn. Nhà có lối kiến trúc ba gian, lợp ngói âm
dương, thưng bằng vách nứa đan nong đôi. Nhà sàn chia làm ba tầng. Tầng
trệt dành để nuôi nhốt gia súc. Tầng hai dành cho người ở. Tầng ba làm
kho chứa lương thực, thực phẩm, giống má cho vụ mùa sau. Nói chung là
đồ ăn khô, dự trữ dài dài cho gia đình.
Ang nước được đặt dưới chân cầu thang
Chủ khách
muốn lên nhà, tự động tháo cởi giày dép, để ở chân cầu thang. Ai ai
cũng cầm gáo múc nước từ ang rửa chân thật sạch. Chân không sạch, bước
vào nhà, lập tức bị mọi người xem là "báo đông". Tiếng Tày là con đười
ươi.
Gia chủ
đặt một ang nước trong, ngay bên cạnh cầu thang. Ang lúc nào cũng đổ
đầy nước. Nơi nào có điều kiện, người ta làm lần, dẫn nước từ mỏ trên
núi về nhà.
Vào những
đêm trăng sáng. Ang long lanh như gương. Vào những ngày mưa rơi. Nước
chạm nước binh bong như nhạc. Còn những ngày nắng gắt. Ang làm dịu mắt
người. Ang nước nhỏ trước nhà. Nỗi nhớ dai phát ốm.
Ang đựng
nước được làm bằng một khối đá vuông, hình chữ nhật, hoặc tròn, đục
rỗng, như cối giã gạo. Lòng ang nông sâu tùy ý thích gia chủ. Bên cạnh
ang nước, buộc phải có có một cái gáo, làm bằng ống bương cắt vát.
Chiếc gáo nước nằm lỏng lèo lèo trên một cái cọc cắm sâu xuống đất.
Chuôi gáo thò ra như một chiếc đuôi. Trên chiếc chuôi rất hay có những
con chuồn chuồn ớt đến đậu. Một chấm đỏ như lửa. Cháy trong mắt người xa
quê.
Ang nước
trước nhà trở thành một đồ vật không thể thiếu trong ngôi nhà sàn người
Tày. Nếu nhà ai trong nhà chưa có ang, mỗi khi có khách tới thăm, gia
chủ phải bưng ra một chậu nước. Có thể nói, rửa chân trở thành "nghi
thức bắt buộc" của người Tày. Tự làm sạch mình, trước khi lên nhà. Hay
nói cách khác, tự làm sạch mình trước khi làm khách. Đây là một nét
tích cách đậm đặc của người Tày.
Bài viết được lấy từ Facebook của tác giả Kin Kin Hua